Ô nhiễm rác thải nhựa đang trở thành một trong những thách thức lớn nhất mà thế giới phải đối mặt. Mỗi năm lượng chất thải nhựa do con người thải ra đủ để phủ kín 4 lần diện tích bề mặt trái đất, trong đó 13 triệu tấn chất thải nhựa được đổ ra đại dương. Năm 2017, Việt Nam chính thức gia nhập danh sách 127 quốc gia thông qua Nghị quyết Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc của Chương trình Môi trường liên hợp quốc về chất thải nhựa và vi nhựa đại dương.
Ngày 07/05/2018, Thủ tướng chính phủ ban hành quyết định số 491/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, tập trung thực hiện mục tiêu sử dụng 100% túi ni-lông thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi ni-lông khó phân hủy; hạn chế và tiến tới chấm dứt việc nhập khẩu, sản xuất và cung cấp các loại túi ni-lông khó phân hủy kể từ năm 2026 tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt. Tháng 6 năm 2018 tại Hội nghị thượng đỉnh G7 tổ chức ở Canada, Thủ tướng chính phủ đã cam kết hành động cũng như kêu gọi hợp tác toàn cầu trong việc giải quyết vấn đề rác thải nhựa trên biển. Năm 2019, Thủ tướng chính phủ đã phát động phòng trào chống chất thải nhựa trên toàn quốc, nhiều cơ quan, tổ chức, địa phương, doanh nghiệp và các cá nhân đã có nhiều hành động thiết thức, ý nghĩa, hiệu quả để chống, giảm thiể chất thải nhựa.
Ngày 20/8/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị 33/CT-TTg. Với mục đích tăng cường hiệu quả các hoạt động quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý nhựa đã qua sử dụng, giảm thiểu phát thải chất thải nhựa ra môi trường. Toàn văn nội dung chỉ thị có thể tham khảo tại Thư Viện Văn Bản Pháp Luật.