Đại dịch Covid-19 đã làm dấy lên trong cộng đồng người tiêu dùng toàn cầu nhiều mối quan tâm về cách lựa chọn – tiêu thụ thực phẩm, nguồn gốc và ảnh hưởng của thực phẩm đến môi trường. Trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh, nhiều chuyên gia trong ngành lẫn người dùng đã đặt ra câu hỏi – Covid-19 đang thay đổi thói quen tiêu thụ thực phẩm của người dân trên khắp thế giới như thế nào? Trong chuyên mục tin tức R&D hôm nay, hãy cùng Foodtechmaster tìm đáp án cho câu hỏi này bằng cách tổng hợp các xu hướng được dự đoán sẽ dẫn đầu thị trường F&B hậu dịch viêm phổi cấp
1. Giao hàng tận nơi
Xuất phát từ hệ quả của chính sách giãn cách xã hội trong thời gian dài, giao hàng tận nơi sẽ là một trong những xu hướng “dẫn đầu” ngành hàng F&B trong thời gian tới. Kết quả báo cáo mới nhất của Q&Me về thói quen và hành vi khách hàng cho thấy có đến 75% người tiêu dùng Việt đã sử dụng dịch vụ giao thức ăn, trong đó, 24% người dùng mới làm quen với hình thức này lần đầu tiên do Covid-19. Tính đến tháng 5/2020, nhu cầu sử dụng loại hình giao thực phẩm tận nhà đã tăng 70%. Trong các ứng dụng giao hàng đang hoạt động hiện nay, GrabFood là cái tên phổ biến nhất (chiếm 79%).
Vì vậy, các mô hình quán ăn/nhà hàng đều đang thay đổi để thích nghi với xu hướng này. Vốn tập trung vào trải nghiệm ăn uống, không gian ẩm thực và câu chuyện thương hiệu, những thương hiệu F&B giờ đây buộc phải mở rộng ra mảng giao thức ăn tận nhà. Trong tình hình dịch bệnh, vấn đề khách hàng quan tâm là khâu vệ sinh an toàn thực phẩm và đóng gói và sự tiện lợi, tiết kiệm thời gian.
2. Thực phẩm thuần chay và tốt cho sức khỏe
Theo các tin tức R&D, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm thuần chay và hữu cơ sẽ gia tăng mạnh mẽ vào giai đoạn 2019 – 2020. Với ảnh hưởng kéo dài của Covid-19, xu hướng này đang và sẽ trở thành phong cách sống của ngày càng nhiều người tiêu dùng trên toàn cầu. Số liệu từ GlobalData cho thấy thị trường thực phẩm thuần chay toàn thế giới ước tính đạt giá trị 5 tỷ USD vào năm 2020.
Ngoài ra, số người theo đuổi chế độ ăn chay tại Mỹ đã tăng 600% trong vòng 3 năm qua, trong khi đó, con số này tại Anh là 350% (trong vòng 10 năm). Tại thị trường Trung Quốc, nhu cầu tiêu thụ thịt đã giảm 50% sau khi chính phủ nước này kêu gọi người dân chuyển sang ăn chay. Vì vậy, từ cuối 2019 – đầu 2020, nhiều thương hiệu F&B đã đưa vào phục vụ các thực đơn thuần chay hoặc lành mạnh với nguồn gốc từ nông trại hữu cơ.
3. Ẩm thực đường phố chất lượng cao
Khi yếu tố an toàn vệ sinh là mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng, thức ăn đường phố sẽ không thể là lựa chọn của mọi người trong nhiều tháng sau đại dịch. Vì lẽ đó, nhiều thương hiệu thức ăn đường phố phải nâng cao chất lượng món ăn và quy trình phục vụ để đảm bảo cung cấp thực phẩm với hương vị tuyệt vời đi kèm an toàn vệ sinh và thuận tiện khi giao hàng. Xu hướng này đang được áp dụng tại nhiều thị trường của châu Á như Đông Nam Á, Ấn Độ, Hàn Quốc…
4. Thực phẩm thay thế thịt và thịt chay
Như các tin tức R&D đã đề cập ở trên, Covid-19 đã khuyến khích người tiêu dùng chuyển sang ăn chay. Tuy nhiên, hàm lượng protein không đủ là rào cản lớn nhất của những người theo đuổi chế độ ăn lành mạnh này. Vì vậy, với những người mới chuyển từ chế độ ăn mặn sang ăn chay, sẽ dễ dàng hơn nếu tiêu thụ thực phẩm thay thế thịt hoặc thịt chay.
Nhiều nhà hàng/quán ăn sẽ cho thực khách được lựa chọn thịt chay thay vì thịt thật, nhờ đó, hàm lượng protein cần thiết mỗi bữa ăn vẫn được đảm bảo. Điều này tối ưu hơn về mặt dinh dưỡng so với món chay nặng về hàm lượng carb hay chay theo kiểu kiêng cử. Theo tin tức R&D tổng hợp, ngành công nghiệp này có tiềm năng phát triển lớn trên nhiều nước và có thể sẽ tạo nên tác động lớn lên cả ngành F&B và bán lẻ trong kỷ nguyên hậu Covid-19.
5. Trải nghiệm ẩm thực tại gia
Theo các tin tức R&D được tổng hợp, do giãn cách xã hội được thực thi nghiêm ngặt trên toàn thế giới trong suốt mùa dịch, rất nhiều người tiêu dùng sẽ chọn ở nhà thường xuyên hơn ngay cả khi tình hình đã khả quan hơn. Ngoài ra, dù chính sách cách ly kết thúc, các thương hiệu F&B vẫn sẽ không được phép hoạt động với công suất hơn 30%, do đó sẽ ngày càng có nhiều thương hiệu F & B cung cấp các trải nghiệm “tại gia”.
Xu hướng này trước đó đã được vận hành tại một số thị trường và được dự đoán sẽ ngày càng phổ biến. Hầu hết các thương hiệu F&B sẽ cung cấp dịch vụ ăn uống riêng tư với tùy chọn “nấu ăn tại chỗ” và sẽ phục vụ cho nhóm từ 8 đến 20 người có nhu cầu trải nghiệm ẩm thực cao cấp ngay tại nhà sau đại dịch.
Qua những tin tức R&D được Foodtechmaster tổng hợp trong bài viết trên, hy vọng bạn đọc đã có cái nhìn đa chiều hơn về ngành hàng F&B sau đại dịch Covid-19. Với những biến chuyển trên, các doanh nghiệp F&B trong và ngoài nước đang hoạt động tại Việt Nam nên sớm có chiến lược phát triển phù hợp để giữ được vị thế của thương hiệu trong bối cảnh đầy tính cạnh tranh hiện nay.