Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta sử dụng rất nhiều bao bì nhựa tiếp xúc trực tiếp với đồ ăn uống của mình. Chai nước Lavie trong phòng họp, cốc trà đá vỉa hè, hộp sữa chua Vinamilk, và có khi là suất cơm hộp mua vội đựng trong hộp xốp.
Hầu hết chúng ta mới chỉ chú ý đến việc các bao bì này có đảm bảo sạch không (dù cũng chỉ bằng mắt thường), mà chưa quan tâm đến việc chúng ta có thể bị phơi nhiễm hóa chất từ các đồ nhựa đó. Bạn có từng đưa những chiếc đĩa nhựa đựng thức ăn vào lò vi sóng? Bạn có để ý chúng làm từ vật liệu gì? Có khi trên chiếc đĩa đó không ghi chú gì, và chúng ta bó tay? Hoặc nó có biểu tượng 3 mũi tên xoáy tạo thành hình tam giác, ở giữa đánh số 4, nhưng bạn không hiểu nó có ý nghĩa gì? Hãy cùng tìm hiểu 1 chút nhé!
Biểu tượng tam giác với con số đó là mã nhận dạng nhựa (Resin Identification Code). Cũng gọi là mã tái chế (Recycling Code), vì nó được tạo ra với mục đích hỗ trợ việc phân loại thu gom nhựa để tái chế. Để ý trên bao bì nhựa dành cho thực phẩm, các bạn có thể gặp 7 mã như dưới đây:
#1: PET, nhẹ và khá cứng, thường được sử dụng làm chai đồ uống 1 lần, chai đựng nước sốt cà chua, salad trộn, vitamin, dầu thực vật…
#2: HDPE, hay PE mật độ cao, là một loại nhựa cứng, mờ đục, nhẹ, nhưng rất bền. Thường được sử dụng làm bình đựng nước trái cây, bình sữa, chai bơ (dạng bóp), đựng giấm, túi đựng hàng tạp hóa…
#3: PVC, là loại nhựa có độ bền kháng sinh học và hóa học tốt. Hai đặc điểm này giúp bao bì duy trì tính toàn vẹn của các sản phẩm bên trong, bao gồm cả thuốc. PVC được sử dụng làm bao bì thuốc, làm màng co cho nhiều loại sản phẩm, làm bao bì vỉ kiểu kẹo bạc hà, kẹo cao su, màng bọc thực phẩm…
#4: LDPE, hay PE mật độ thấp, là một loại nhựa có độ dẻo cao, có khả năng phục hồi nhiệt tốt. Thường được sử dụng làm túi ni lông, hay tráng phủ trong các loại cốc giấy, màng bọc thực phẩm…
#5: PP, hơi cứng và ít giòn hơn một số loại nhựa khác, thường là mờ hoặc đục. Nhựa này có điểm nóng chảy cao, làm cho nó đặc biệt thích hợp để sử dụng trong lò vi sóng hoặc làm sạch trong máy rửa chén. PP cũng thường được sử dụng làm hộp đựng sữa chua, xi-rô, phô mai kem, các chai thuốc theo đơn.
#6: PS không màu, cứng, phục hồi nhiệt kém, có thể được tạo thành dạng foam (xốp). Trong bao bì thực phẩm, PS thường được sử dụng để làm cốc nhựa, khay đựng đồ nguội và bánh, hộp đựng thức ăn nhanh, đựng trứng… Chúng ta cũng hay gặp khay PSP, đó chính là PS dạng foam tấm.
#7: Nhựa khác (khác với sáu loại nhựa được liệt kê ở trên), ví dụ như polycarbonate (PC), melamine, hoặc polylactide (PLA, một loại nhựa phân hủy sinh học). #7 thường gặp ở bình đựng nước cỡ lớn, chai đựng nước ép cam quýt, nước sốt cà chua, hộp đựng dạng vỏ sò.