Không hề sai khi nói rằng, chúng ta đang sống trong thời đại huy hoàng của “nhựa”. Loài người trải qua thời kì đồ đá, đồ sắt, đồ đồng, và giờ là Đồ Nhựa. Nhìn xung quanh, đâu đâu cũng là nhựa. Có nhiều nguồn dẫn các con số khác nhau, nhưng con số khiêm tốn nhất về lượng nhựa mà thế giới này sản xuất ra năm 2018 là xấp xỉ 360 triệu tấn!
Với quá nhiều ưu điểm, rõ ràng nhựa là một trong những phát minh vĩ đại trong lịch sử loài người hiện đại. Nhưng đến giờ, không ít người trở nên hoài nghi danh hiệu này, khi mà rác thải từ nhựa đang là một bài toán khó giải ở phạm vi toàn cầu. Năm 2015, toàn bộ các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc thông qua bộ 17 mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals SDGs), trong đó mục tiêu số 14 – Life Below Water có tiêu chí liên quan trực tiếp tới rác thải nhựa trôi nổi. Điều đó phản ánh mức độ nghiêm trọng của ô nhiễm rác thải từ nhựa, hay còn gọi là ô nhiễm trắng – White pollution, hay Plastic Pollution.
Lướt Google Search, chúng ta dễ dàng tìm thấy vô vàn những bức ảnh chân thực tố cáo sự tàn phá môi trường sống, môi trường tự nhiên thông qua xả thải nhựa của con người. Theo 1 công trình nghiên cứu lớn, lượng rác thải nhựa mà con người đẩy ra môi trường vào năm 2015 là xấp xỉ 300 triệu tấn (Jambeck và cộng sự, 2015). Để dễ hình dung, nó gần tương đương khối lượng dân số trên trái đất thời điểm đó!
Nhóm tiêu dùng nhiều nhựa nhất là bao bì, đặc biệt là bao bì sử dụng 1 lần (single-use packaging). Và đây cũng là nhóm tạo rác thải nhiều nhất, với tỉ lệ rò rỉ ra môi trường lên tới 32% (~45 triệu tấn, 2015). Dễ dàng nhận thấy đóng góp của nhóm này khi lướt qua các bãi rác thải nhựa khổng lồ khắp thế giới, đặc biệt ở các quốc gia Châu Á như China, India, Indonessia…
Theo ước tính, trong tổng số 8300 tỷ tấn nhựa đã sản xuất ra từ 1950 tới 2015, có khoảng 59% là xả ra môi trường. Phần lớn là chôn lấp. Một phần không nhỏ theo các dòng chảy, theo gió, tích tụ trong các đại dương. Các bài viết tin cậy đều dẫn thông tin, hiện mỗi năm có hơn 8 triệu tấn rác thải nhựa đổ vào đại dương. Và nếu giữ nguyên tình trạng hiện tại, đến năm 2050, khối lượng nhựa tích tụ trong đại dương sẽ tương đương khối lượng cá biển. Thậm chí rác thải nhựa trôi nổi còn tụ lại ở 1 vùng ở Bắc Thái Bình Dương, với diện tích gấp 5 lần Việt nam, với lượng nhựa ước 79,000 tấn. Người ta đặt hẳn 1 cái tên cho vùng đó: Great Pacific Garbage Patch – GPGP.
Việt nam có nhiều cái thuộc hàng top thế giới: gạo, café, thủy hải sản,… Đáng tiếc là rác thải nhựa cũng thuộc luôn nhóm đứng đầu luôn, đặc biệt là tỉ lệ rác thải nhựa không kiểm soát được. Vào năm 2010, Ước lượng rác thải nhựa của Việt nam là hơn 3.2 triệu tấn, với khoảng 1.8 triệu tấn được coi là mất kiểm soát (không thông qua các biện pháp thu hồi, tái chế, xử lí… có thể rò rỉ ra môi trường). Trong số đó, ước 0.28-0.73 triệu tấn thải ra biển (chiếm tới gần 6% tổng lượng rác thải nhựa xả ra biển của thế giới). Tiêu thụ nhựa trên đầu người của Việt nam đang tăng nhanh, tuy nhiên vẫn thua xa Thái lan: 0.1 vs 0.14. Tổng lượng rác thải nhựa Thái cũng nhỉnh hơn. Nhưng lượng rác thải nhựa mất kiểm soát thì chúng ta lại vượt xa: 1.83 triệu tấn (~56% lượng nhựa thải) so với Thái 1.03 triệu tấn (29.2%). Dự báo đến 2025, lượng rác thải nhựa mất kiểm soát của VN có thể lên tới 4.17tr tấn, nếu không có những thay đổi quyết liệt.
Có lẽ cũng không cần những con số to tát ở trên, mà nhìn vào bức ảnh bên cạnh đây, chúng ta cũng đủ hình dung được thực trạng rác thải nhựa ở Việt nam. Bức ảnh được chụp bởi Hùng Lekima, một trong những gương mặt nổi bật được đề cử là nhân vật truyền cảm hứng 2019. Anh đã đi suốt chiều dài 3260km bờ biển từ Bắc chí Nam bằng xe máy, và ghi lại hàng ngàn bức ảnh về rác thải nhựa.
Một câu chuyện bằng ảnh đầy ý nghĩa: https://zingnews.vn/hanh-trinh-7000-km-cua-nguoi-san-rac-khap-bo-bien-viet-nam-post909097.html
Rõ ràng là, mỗi cá nhân chúng ta đang, vào nhiều lúc, nhiều nơi, vô tình và cả cố ý, bằng cách nào hay cách khác, đang góp một phần “nhỏ nhỏ” vào bức tranh xả thải khủng khiếp kể trên. Nhưng điều đó cũng có nghĩa rằng, khi chúng ta nhận thức đúng đắn hơn, biến nhận thức thành hành vi, thói quen, thậm chí thành các sáng kiến, dù nho nhỏ, nhưng góp gió thành bão, tích tiểu thành đại, thì chúng ta hoàn toàn có thể vẽ lại bức tranh này. Một bức tranh mới, tươi sáng hơn, đẹp hơn.